top of page

Review sách Đừng quên não để đời bớt bão - Wada Hideki

  • Writer: Mẫn Nghi
    Mẫn Nghi
  • Jul 28, 2023
  • 9 min read

Updated: Oct 4, 2023


Mục lục

Giới thiệu sách "Đừng quên não để đời bớt bão"

  • Tác giả: Wada Hideki

  • Số trang: 215 trang

  • Giá bìa: 69.000

Bạn có cảm thấy rằng hiện nay rất nhiều người hay khó chịu và không kiểm soát được cảm xúc không? Để có thể tồn tại, con người phải trải qua vô vàn khó khăn. Cảm xúc là thứ phát sinh một cách hết sức tự nhiên nên bạn không thể bắt nó không xảy ra được. Nhưng để cảm xúc lấn át lý trí sẽ dẫn đến nhiều việc không mong muốn xảy ra, ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống và các mối quan hệ xung quanh.


Quyển sách đề cập đến việc kiểm soát cảm xúc - kiểm soát ở đây không phải là ép bản thân không có cảm xúc mà học cách thể hiện cảm xúc theo chiều hướng tích cực để không phát sinh những hành động không đúng mực do bị cảm xúc chi phối. Ngoài ra, sách còn đề cập đến những bài tập thực hành giúp bạn loại bỏ cảm xúc căng thẳng, khó chịu, tìm đến cảm xúc vui vẻ, thoải mái.


Những điểm mình thích/ấn tượng

  • Tên sách là điều mình ấn tượng đầu tiên, nghe tò mò và khá kích thích nên mình quyết định mua về đọc.

  • Sách chia thành 5 chương liên kết chặt chẽ với nhau, ở đầu mỗi chương đều có phần tóm tắt nội dung bằng hình ảnh, giúp người đọc có cái nhìn tổng quan về các nội dung sắp tìm hiểu.

  • Mỗi đề mục nhỏ trong một chương đều có phần tóm tắt ở đầu và phần tổng kết ở cuối, kèm theo là hình ảnh minh hoạ để mọi người hiểu rõ về nội dung đã đọc.

  • Sau mỗi chương sẽ có phần bài tập trắc nghiệm, đáp án của các bài tập này chính là những nội dung đã đọc xuyên suốt 1 chương, yên tâm là có đáp án nhen.

  • Nội dung dễ đọc, dễ hiểu.

  • Bên cạnh những chia sẻ về quan điểm cá nhân của tác giả, sách còn cung cấp thêm vài kiến thức mới như hiệu ứng Barnum, phương pháp trị liệu Moria, lí giải về việc tại sao con người lại hay khó chịu,… rồi lồng ghép những bài tập thực hành dễ thực hiện.


Những điểm mình không thích

  1. Một vài nội dung khá lặp đi lặp đi, đôi lúc hơi nhàm chán, gây buồn ngủ.

  2. Nếu bạn là người hay đọc sách self help hoặc coi những nội dung về phát triển bản thân, cá nhân mình nghĩ không cần thiết đọc sách này vì nội dung cũng khá tương đồng nhau.

  3. Sách không có phần giới thiệu tác giả, không biết người viết là ai, ngoài tác phẩm này còn tác phẩm nào khác không và có chuyên môn gì để mình tin tưởng vào nội dung sách không.


Một số quan điểm của tác giả Wada Hideki

  1. Kiểm soát cảm xúc không phải là cố gắng để không có cảm xúc mà là sự kiềm chế để không phát sinh những hành động không đúng mực do cảm xúc.

  2. Những cảm xúc tiêu cực chính là động lực để con người trưởng thành. Cảm xúc có thể trở thành động lực để cố gắng.

  3. Nhiều người biểu lộ sự khó chịu ra mặt nhưng lại không hề nhận thức điều đó, vì họ không hiểu được cảm xúc của bản thân nên thường biểu lộ nó ra ngoài.

  4. Nếu lúc nào cũng để ý đến suy nghĩ của người khác, chúng ta sẽ dần phản bội lại cảm xúc của bản thân và luôn mắc kẹt trong tình trạng khó chịu.

  5. Quá khứ không thể thay đổi được nhưng cách nhìn nhận quá khứ có thể thay đổi được.

  6. Nếu không muốn bị thiệt thòi, bạn chỉ còn cách rũ bỏ tâm trạng khó chịu.

  7. Với những người luôn cho rằng mình đúng, họ sẽ mang cảm giác thù địch với những người có ý kiến trái chiều. Càng bị trói buộc bởi sự phân định rạch ròi, bạn lại càng không thể thoát khỏi tâm trạng khó chịu, căng thẳng. Nếu thay đổi góc nhìn, bạn sẽ thấy có rất nhiều đáp án đúng cho một câu hỏi. Không có cái nào là đúng tuyệt đối. Bạn chỉ cần khảo sát, điều tra để tìm ra câu trả lời gần đúng nhất là được.

  8. Việc trở nên khó chịu không phải là do những hành động cẩu thả của người khác, mà là do tính khắt khe về thời gian, ưa sạch sẽ một cách cực đoan của bản thân. Chính vì sự khác biệt về tính cách đó nên chúng ta sẽ để ý từng hành động của đối phương. Những người hay khó chịu sẽ không nhận ra sự thật là tính cách của họ khác biệt so với mọi người.

  9. Một yếu tố khiến con người trở nên khó chịu chính là chủ nghĩa hoàn hảo. Hãy nghĩ rằng không cần đạt 100 %, chỉ cần đạt được 80% là đủ rồi.

  10. Dù đối phương có là ai, nhưng nếu có điều bạn cảm thấy không thỏa đáng hoặc không thể chịu đựng nổi, việc bộc lộ cảm xúc một cách thẳng thắn là điều nên làm. Lưu ý không để cảm xúc bực dọc lấn át, dẫn đến bộc phát những lời lẽ xúc phạm đối phương.

  11. Điều tiên quyết để có thể sống vui vẻ, thoải mái mỗi ngày là biết yêu bản thân. Bạn cần phải cảm thấy hài lòng với con người hiện tại của mình, hạnh phúc với những điều nho nhỏ mỗi ngày. Tuy nhiên, cần chú ý tới việc yêu bản thân quá mức. Quan niệm bản thân mình luôn đúng hay mình là người có năng lực nhất sẽ khiến những người xung quanh khó chịu hoặc bất mãn.

  12. Để tạo lập mối quan hệ tốt với mọi người, điều quan trọng nhất là bạn phải có thiện chí khi tiếp xúc với đối phương.

  13. Chỉ cần bạn tạo thói quen động viên bản thân, suy nghĩ, cảm xúc của bạn sẽ trở nên tích cực hơn.

  14. Việc tin tưởng rằng bản thân sẽ có được kỳ tích là vô cùng quan trọng. Việc tin tưởng một cách ngốc nghếch sẽ khiến bạn không còn nỗi lăn tăn hay bất an nào. Hạ thấp cái tôi cá nhân, bạn sẽ hành động một cách tích cực.

  15. Nếu có nhiều cây trụ thì dù một cây trụ bị đổ, bạn vẫn vững tâm vì còn nhiều cây trụ khác.

  16. Những cảm xúc tiêu cực dễ lan truyền phần nhiều là bởi bạn bị cuốn vào việc nói xấu, ngồi lê đôi mách. Để không cảm thấy khó chịu, bạn phải tự bảo vệ bản thân khỏi những cảm xúc tiêu cực của đối phương. Cho dù bị nói gì, bạn cũng không cần phải phản ứng lại. Hãy cố gắng không tham gia những nhóm nói xấu, ngồi lê đôi mách.

  17. Đừng cố tỏ ra mạnh mẽ, hãy đón nhận sự giúp đỡ của những người xung quanh. Khi đó, mạng lưới kết nối với mọi người cũng được mở rộng, giúp ích cho sự trưởng thành của bạn.

  18. Cảm xúc của con người nếu không biểu lộ thành lời nói thì người khác không thể hiểu được. Việc cố gắng hiểu một người không bộc lộ thẳng thắn cảm xúc là điều không thể. Chính vì vậy, ngay từ đầu, bạn không nên kỳ vọng vào việc được đối phương chú ý. Chúng ta không thể hiểu cảm xúc của đối phương là điều đương nhiên và ngược lại. Khi nhận thức rõ ràng được điều đó và từ bỏ việc nhõng nhẽo muốn được người khác hiểu, bạn sẽ cảm thấy tinh thần trở nên thoải mái hơn.

  19. Hạnh phúc hay không là do bản thân bạn quyết định. Không hề liên quan đến sự thắng thua thông thường. Hãy dừng việc nhận định vị trí, hành động của mình qua con mắt thắng thua. Bạn không cần phải để ý đến những sự thắng thua vô nghĩa ấy.


Góc mở mang kiến thức

  1. Khi bộc lộ cảm xúc hỉ nộ ái ố, bộ phận thuỳ trước trán nằm ở vỏ não sẽ hoạt động làm tăng cường sinh lực, kích thích trí não, nhờ đó duy trì sự trẻ trung ở con người.

  2. Khi tình yêu bản thân không được thỏa mãn, con người sẽ trở nên khó chịu.

  3. Cảm xúc của con người nếu cứ để nó nguyên như vậy thì nó sẽ dần giảm đi giống như đường cong của cánh cung và rồi một lúc nào đó nó sẽ hoàn toàn biến mất. Tóm lại cảm xúc tức giận hay buồn bã rồi sẽ được hóa giải theo thời gian.

  4. Nếu bạn giữ trong lòng những cảm xúc tiêu cực trong thời gian dài, chức năng miễn dịch của cơ thể sẽ suy giảm, có thể dẫn đến bệnh trầm cảm.

  5. Chỉ cần trong đầu có một suy nghĩ bất an toàn bộ tâm trí của bạn cũng sẽ cảm thấy bất an. Và dù có suy nghĩ, bạn cũng không thể tìm ra cách giải quyết. Rốt cuộc bạn sẽ tiếp tục ôm nỗi bất an đó trong lòng.

  6. Càng những người hay khó chịu, xung quanh họ lại càng tồn tại những người mà họ không thể ưa nổi.

  7. Trong mối quan hệ giữa người với người, có một quy luật về sự phản ứng. Cảm xúc tích cực sẽ được đáp lại bằng cảm xúc tích cực, cảm xúc tiêu cực sẽ được đáp lại bằng cảm xúc tiêu cực, cảm xúc đối chọi nhau càng mạnh, sự phản ứng lại càng mạnh mẽ.

  8. Khi được khẳng định bởi những suy nghĩ tích cực, con người có xu hướng tin vào những điều đó. Hiện tượng này được gọi là hiệu ứng Forer hay hiệu ứng Bertram.

  9. Việc chúng ta cảm thấy vui mừng khi hội ngộ những người hiếm khi gặp mặt là do tâm lý nhung nhớ về mặt thời gian, khoảng cách. Nói cách khác, yếu tố quan trọng để làm tốt đẹp mối quan hệ giữa người với người chính là cảm quan về khoảng cách này. Để xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp, hãy ý thức về khoảng cách vừa phải.

  10. Phương pháp trị liệu Morita có phương châm căn bản là quá khứ và người khác thì không thể thay đổi.


Một số bài tập thực hành

  1. Tạo thói quen hiểu cảm xúc của bản thân. Trong một ngày, vào khoảng thời gian bất chợt nào đó, hãy tự hỏi xem hôm nay mình đã có những cảm xúc nào. Buổi tối, khi có thời gian dành cho bản thân, hãy thử nghĩ lại xem cảm xúc của bạn trong một ngày vừa qua diễn biến ra sao.

  2. Chỉ nên cảm thấy bất an khi xác suất xảy ra sự việc cao. Còn với những sự việc có xác suất xảy ra thấp, bạn cần suy nghĩ là, việc đó rất khó xảy ra. Điều quan trọng là bạn cần hành động trên cơ sở nắm bắt được mức độ rủi ro.

  3. Tự tạo cho mình những phần thưởng để làm hưng phấn tinh thần của bản thân chính là cách để bạn có thể trở nên vui vẻ hơn.

  4. Khi có cảm xúc ghen tị hay ganh ghét, hãy thử dừng lại một chút và dành thời gian tưởng tượng xem nếu cảm xúc tiêu cực đó được bộc phát thành lời nói thì sẽ như thế nào. Nếu nhìn thấy một người nói ra những cảm xúc ghen tị, ganh ghét, bạn sẽ có cảm nghĩ gì? Thử tưởng tượng bản thân bộc lộ những cảm xúc tiêu cực, bạn cũng tự hiểu rằng mình sẽ bị những người xung quanh nhìn bằng con mắt không mấy thiện cảm.

  5. Với những người cảm thấy khó khăn để tươi cười, hãy thử luyện tập trước gương. Trước tiên, giãn cơ miệng, nở nụ cười. Tiếp theo, ngậm ngang một chiếc đũa, luyện tập để kéo giãn khoé miệng. Hãy ý thức việc cười sao cho để lộ được răng.

  6. Để gạt bỏ những ký ức không vui, hãy thử tìm những việc cần làm một cách cụ thể, dù là việc gì cũng được. Viết ra giấy những việc cần làm, đặt thứ tự ưu tiên và lần lượt thực hiện. Khi đó, hãy tập trung vào những việc cần làm và những kí ức không vui cũng tự nhiên phai mờ dần.


Phương pháp điều chỉnh cảm xúc Wada

  1. Hít thở sâu trong vòng 7s

  2. Viết lại những hành động của mình vào sổ

  3. Khen ngợi người khác

  4. Thử thay đổi kiểu tóc, trang phục

  5. Ăn đồ ngọt

  6. Ghi nhớ những dấu mốc, sự kiện quan trọng

  7. Trả lời một cách lịch sự

  8. Có cuốn sách yêu thích gối đầu giường

  9. Ghi chép lại tình hình

  10. Nói cảm ơn

  11. Chuẩn bị sẵn những phương án dự phòng

  12. Thay đổi thái độ

  13. Quyết định bắt đầu những dự định cá nhân

  14. Thử ghi chép vào sổ

  15. Nhìn nhận mặt tích cực của sự việc

  16. Ưu tiên những quy tắc của bản thân

  17. Tưởng tượng bản thân là người trong cuộc

 

Trên đây là tổng hợp những thông tin mình đúc kết được từ quyển sách Đừng quên não để đời bớt bão. Hi vọng sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan và nếu muốn nghiền ngẫm kĩ hơn, bạn có thể ghé mua sách tại đây nhé: Đừng quên não để đời bớt bão.

コメント


Subscribe to update my new posts

Thanks for submitting!

Copyright © 2023 by Man Nghi. Do not re-up.

bottom of page